Thessaly và cuộc chiến tranh Thần Thánh (356–352 TCN) Sự bành trướng của Macedonia dưới triều đại Philippos II

Bối cảnh

Cuộc chiến tranh Thần Thánh lần thứ Ba diễn ra vào năm 356 TCN và nó sẽ mang đến cơ hội thực sự đầu tiên dành cho Philippos để mở rộng ảnh hưởng của ông đối với các vấn đề ở miền Trung và miền Nam Hy Lạp.[72][73] Bề ngoài thì cuộc chiến tranh này nổ ra là do liên minh Phocis từ chối nộp khoản tiền phạt do Đại nghị liên minh áp đặt, đây là tổ chức tôn giáo toàn Hy Lạp quản lý địa điểm thiêng liêng nhất ở Hy Lạp cổ đại, Ngôi đền Apollo ở Delphi.[74] Đằng sau lý do tôn giáo, điều này có thể phơi bày thực tế chính trị trong việc đưa ra các cáo buộc chống lại người Phocis mà do người Thebes chủ mưu. Vào thời điểm đó, Thebes kiểm soát đa số phiếu bầu trong hội đồng và tại hội nghị mùa thu vào năm 357 TCN, người Thebes đã có thể lên án và bắt cả người Phocis (do trồng trọt trên vùng đất thiêng) lẫn người Sparta (vì đã chiếm đóng Thebes 25 năm trước đó) phải đóng phạt.[75] Bởi vì khoản tiền phạt dành cho cả hai bên là "khắc nghiệp một cách vô lý",[74] cho nên người Thebes có lẽ tin rằng cả hai bên đều không thể trả nổi và do đó họ có thể tuyên bố một cuộc "chiến tranh thần thánh" đối với cả hai.[76]

Tàn tích của Delphi cổ đại

Đáp trả lại điều này, người Phocis dưới sự lãnh đạo của Philomelos đã cướp phá Delphi (nó nằm trong phạm vi ranh giới của Phocis) và khẳng định quyền yêu sách cổ xưa của Phocis đối với chức vụ lãnh đạo của Đại nghị liên minh,[76] ý định của họ là nhằm bãi bỏ phán quyết chống lại chính họ.[77] Dường như người Phocis đã nhận được phần nào đó sự thông cảm ở Hy Lạp bởi vì các quốc gia khác cũng có thể đã nhận thấy rằng "người Thebes ... đã lợi dụng Đại nghị liên minh để theo đuổi tới cùng những mối thù truyền kiếp nhỏ mọn và mang tính hủy diệt".[76][78] Người Phocis đã được người Athens (kẻ thù lâu năm của Thebes) và người Sparta hỗ trợ, họ hi vọng sẽ thấy khoản tiền phạt của mình bị xóa bỏ khi người Phocis cướp phá Delphi.[79] Tuy nhiên, Philomelos đã cướp phá kho tàng của thần Apollo để trả lương cho lính đánh thuê và xây dựng được một đạo quân hùng mạnh, thế nhưng điều này đã khiến cho các thành bang Hy Lạp khác thay đổi hoàn toàn quan điểm của họ.[80] Vào mùa đông năm 356/355 TCN, Đại nghị liên minh đã tuyên bố một cuộc "chiến tranh thần thánh" chống lại người Phocis cùng với vai trò chủ đạo thuộc về người Thebes.[76] Cuộc chiến tranh đã khởi đầu với chiều hướng tương đối thuận lợi cho người Phocis nhưng sau đó người Thebes đã gây ra một thất bại nặng nề cho người Phocis tại Neon vào năm 355[67] hoặc 354 TCN,[73] Philomelos cũng đã tử trận trong trận chiến này. Không hề nao núng, Onomarchos đã nắm quyền lãnh đạo người Phocis và xây dựng một đội quân đánh thuê mới để tiếp tục cuộc chiến tranh.[73]

Niên biểu của cuộc Chiến tranh Thần thánh

Các nguồn cổ đại ghi chép về cuộc chiến tranh thần thánh là không nhiều và thường thiếu các dữ kiện theo thứ tự thời gian chắc chắn. Do đó các nhà sử học hiện đại đã tranh luận kịch liệt về niên đại của cuộc chiến này và không có được sự đồng thuận rõ ràng.[67] Người ta thường chấp nhận rằng cuộc chiến này đã kéo dài trong 10 năm và kết thúc vào mùa hè năm 346 TCN (một trong những niên đại chắc chắn nhất), do đó thời điểm bắt đầu cuộc chiến được cho là vào năm 356 TCN và mở đầu bằng sự kiện Philomelos cướp bóc Delphi.[67] Sau khi Philomelos thua trận ở Neon, người Thebes đã nghĩ rằng đây là thời điểm an toàn để phái tướng Pammenes tới châu Á cùng với 5000 lính hoplite; như đã nói ở trên, Pammenes có thể đã gặp gỡ Philippos tại Maroneia vào năm 355 TCN và có lẽ là trên hành trình tới châu Á của ông ta.[67] Buckler là sử gia duy nhất tiến hành một nghiên cứu có hệ thống về cuộc chiến tranh Thần Thánh, do đó ông đã xác định thời điểm diễn ra trận Neon là vào năm 355 TCN và đề xuất rằng sau cuộc găp gỡ với Pammenes, Philippos đã tiến hành bao vây Methone.[67] Các sử gia khác thì lại xác định thời điểm diễn ra trận Neon là vào năm 354 TCN bởi vì Diodoros nói rằng trận chiến này đã diễn ra khi Philippos vây hãm Methone, sự kiện này được Diodoros xác định là vào năm 354 TCN.[67] Tuy nhiên, niên biểu cho cuộc chiến tranh thần thánh của Diodoros thì lại rất lẫn lộn, ông ta xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc của cuộc chiến tranh này quá muộn đồng thời nói rằng cuộc chiến tranh này đã kéo dài 9, 10 hoặc 11 năm và đề cập tới cuộc vây hãm Methone hai lần với những thời gian khác nhau— do đó niên đại của ông ta không đáng tin cậy.[67]

Bất chấp điều này, hầu hết các nhà sử học đều đồng thuận với trình tự các sự kiện trong giai đoạn này của cuộc chiến tranh Thần Thánh. Do đó vấn đề chính ở đây đó là khi nào trình tự này bắt đầu. Theo đó, Buckler (cũng như là Beloch và Cloche) xác định thời điểm của trận Neon là vào năm 355 TCN, với Methone là vào 355–354 TCN, còn chiến dịch Thessaly thứ nhất của Philippos là vào năm 354 TCN trong khi chiến dịch thứ hai của ông là vào năm 353 TCN.[67] Ngược lại, Cawkwell, Sealey, Hammond lại xác định thời điểm diễn ra các sự kiện này là đều cùng trong một năm và bắt đầu bằng trận Neon vào năm 354 TCN.[67][81]

Chiến dịch đầu tiên ở Thessaly

Cuộc chiến tranh Thần Thánh dường như đã khơi mào cho việc nối lại cuộc xung đột ở Thessaly. Liên minh Thessaly nói chung là những người ủng hộ trung thành của Đại nghị Liên minh và có một mối thù truyền kiếp với người Phocis.[82] Ngược lại, Pherae lại liên minh với người Phocis.[83] Vào năm 354 hoặc năm 353 TCN, nhà Aleuadae đã kêu gọi Philippos giúp họ đánh bại Pherae.[56][70][84] Philippos đã tích cực hưởng ứng và có lẽ là điều không quá bất ngờ:

... cuộc xung đột giữa Pherae với những người hàng xóm của nó đã đem đến cho Philippos những cơ hội lớn. Sự bất ổn chính trị thường xuyên của khu vực này và sự hỗ trợ của liên minh Thessaly đã đảm bảo rằng sẽ không có một liên minh đối lập nào chống lại tham vọng của ông. Người Thessaly đã trao cho Philippos cơ hội để trở thành bá chủ tại đây giống như họ đã làm đối với Pelopidas và người Thebes vào năm 369 TCN.

— John Buckler[85]

Do đó, Philippos đã đem quân tới Thessaly và có thể với ý định là để tấn công Pherae.[85] Lycophron của Pherae đã yêu cầu sự trợ giúp từ người Phocis theo các điều khoản liên minh giữa họ và Onomarchos đã phái em trai của ông ta là Phayllos đem 7000 người tới giúp;[56] Tuy nhiên, Philippos đã đánh lui đạo quân này trước khi họ có thể hội quân với người Pherae.[86] Onomarchos sau đó đã từ bỏ cuộc vây hãm mà ông ta đang tiến hành rồi đem toàn bộ quân đội tới Thessaly để tấn công Philippos.[56] Cũng có thể Onomarchos hy vọng là sẽ chinh phục được Thessaly trong dịp này đồng thời sẽ khiến cho người Thebes bị cô lập (Locris và Doris đã rơi vào tay của người Phocis) và giúp cho người Phocis chiếm được đa số phiếu trong hội đồng Đại nghị Liên minh, và vì thế có thể giúp cho họ tuyên bố kết thúc chiến tranh.[87] Onomarchos có thể đã đem theo 20,000 bộ binh, 500 kỵ binh, và một lượng lớn máy bắn đá, quân đội của ông ta đã đông hơn quân của Philippos.[56][87] Các chi tiết chính xác về chiến dịch diễn ra sau đó không được rõ ràng nhưng dường như Onomarchos đã đánh bại Philippos hai lần và khiến cho nhiều người Macedonia tử trận.[88][89] Polyaenos gợi ý rằng chiến thắng đầu tiên của Onomarchos là nhờ vào việc sử dụng máy bắn đá để phóng những viên đá vào đội hình phalanx của người Macedonia khi họ leo lên một con dốc để tấn công người Phocis.[56][90] Sau những thất bại này, Philippos đã rút quân về Macedonia để trú đông.[89] Theo ghi chép lại Philippos đã bình luận rằng ông "không chạy trốn mà giống như một phiến gỗ công thành, ta đẩy đầu húc dội lại mạnh hơn".[91]

Chiến dịch thứ hai ở Thessaly

Philippos đã quay trở lại Thessaly vào mùa hè năm sau (năm 353 hoặc 352 TCN tùy thuộc vào niên biểu) sau khi đã tập hợp một đội quân mới ở Macedonia.[88] Philippos cũng đã chính thức yêu cầu người Thessaly phối hợp với ông trong cuộc chiến chống lại người Phocis; Mặc dù không hài lòng với những gì Philippos đã thể hiện ở năm trước, người Thessaly thực sự có rất ít sự lựa chọn nếu như họ không muốn bị quân đội của Onomarchos chinh phục.[92][93] Philippos lúc này đã tập trung toàn bộ các kẻ thù của Pherae ở Thessaly mà ông có thể có được, và theo Diodoros thì đạo quân cuối cùng của ông có quân số 20,000 bộ binh và 3000 kỵ binh.[88]

Pagasae

Vào một thời điểm nào đó trong các chiến dịch ở Thessaly của mình, Philippos đã chiếm thành phố cảng có vai trò chiến lược là Pagasae,[94] vào lúc đó nó đang là hải cảng của Pherae.[84] Hiện vẫn chưa rõ điều này diễn ra trong chiến dịch thứ nhất hoặc thứ hai; cả Buckler và Cawkwell đề xuất rằng nó diễn ra trong chiến dịch thứ hai trước trận cánh đồng Crocus[67][84] Nhờ vào việc chiếm được Pagasae, Philippos có thể đã ngăn cản được việc Pherae nhận được quân tiếp viện bằng đường biển trong chiến dịch thứ hai của mình. Buckler đưa ra giả thuyết rằng Philippos đã học được bài học từ chiến dịch trước và có ý định ngăn chặn sự trợ giúp đến từ bên ngoài dành cho Pherae trước khi tấn công nó.[84][95]

Trận cánh đồng Crocus

Bức tượng bán thân của Isocratesbảo tàng Pushkin, đây là khuôn đúc thạch cao của bức tượng bán thân trước kia nằm ở Villa Albani, Rome

Trong khi đó, Onomarchos đã đem quân quay trở lại Thessaly để cố gắng duy trì uy quyền của người Phocis ở đây, lực lượng của ông ta cũng xấp xỉ năm trước.[87][88] Hơn nữa, người Athen đã phái Chares tới giúp đồng minh Phocis của mình, họ coi đây là cơ hội để giáng cho Philippos một đòn quyết định.[95] Những sự kiện diễn ra tiếp theo lại không rõ ràng nhưng đã có một trận chiến xảy ra giữa người Macedonia và người Phocis, có lẽ là do Philippos muốn ngăn chặn không cho người Phocis hội quân với người Pherae và quan trọng là trước khi người Athen đặt chân đến.[95] Theo Diodoros, hai đội quân đã đối đầu với nhau trên một đồng bằng lớn gần biển ('cánh đồng Crocus'), nó có thể nằm ở vùng phụ cận của Pagasae.[95] Philippos đã cho binh sĩ của mình đội vòng nguyệt quế vốn là biểu tượng của thần Apollo khi họ tiến vào chiến trường; "như thể ông ta là kẻ báo thù ... tội báng tổ thánh thần, và ông ta đã tiến hành trận chiến dưới sự lãnh đạo, như là của thần linh".[82][96] Một số lính đánh thuê của người Phocis được cho là đã quẳng vũ khí của họ xuống và dằn vặt vì mặc cảm tội lỗi của mình.[82] Trong trận chiến đẫm máu nhất được ghi lại trong lịch sử Hy Lạp cổ đại này, Philippos đã giành được một chiến thắng quyết định trước người Phocis. Tổng cộng đã có 6000 binh sĩ Phocis tử trận trong đó có cả Onormarchos và 3000 người khác bị bắt làm tù binh.[89] Onomarchos đã bị treo cổ hoặc bị đóng đinh còn những tù nhân khác thì bị dìm chết đuối, đây cũng là sự trừng phạt theo nghi thức được yêu cầu dành cho những kẻ cướp đền.[88] Những sự trừng phạt này là nhằm không cho những kẻ chiến bại nhận được một sự mai táng danh sự; Do đó Philippos đã tiếp tục thể hiện bản thân như là người báo thù sùng đạo đối với tội báng bổ thần thánh của người Phocis.[97]

Tái tổ chức lại Thessaly

Có lẽ là sau khi ông giành chiến thắng (nếu không phải trước đó), người Thessaly đã bổ nhiệm Philippos làm archon của Thessaly.[92][98] Đây là một chức vụ suốt đời và điều này cho phép Philippos kiểm soát toàn bộ các nguồn thu của liên minh Thessaly, hơn nữa nó còn khiến cho Philippos trở thành nhà lãnh đạo của một đội quân Thessaly thống nhất.[92]

Philippos lúc này đã có thể rảnh tay để giải quyết Thessaly. Đầu tiên, ông có lẽ đã hoàn tất cuộc vây hãm Pagasae và để nhằm ngăn không cho người Athen sử dụng nó làm địa điểm đổ bộ ở Thessaly.[98] Pagasae lại không thuộc liên minh Thessaly, do đó Philippos đã chiếm nó làm của riêng và cho quân đồn trú nó.[99] Sự thất thủ của Pagasae lúc này đã khiến cho Pherae hoàn toàn bị cô lập. Do vậy, Lycophron đã kí kết một thỏa thuận với Philippos thay vì chịu chung số phận giống như Onomarchos, ông ta đã giao lại Pherae cho Philippos và đổi lại là ông ta được phép đi tới Phocis cùng với 2000 lính đánh thuê của mình.[99] Philippos lúc này đã tiến hành thống nhất các thành phố có truyền thống cứng đầu cứng cổ ở Thessaly dưới sự cai trị của ông. Ông đã nắm quyền kiểm soát trực tiếp một số thành phố ở miền Tây Thessaly và cho lưu đày những người chống đối, ông còn tái thành lập lại một thành phố với phần đông dân cư là người Macedonia; ông đã siết chặp sự kiểm soát của mình đối với Perrhaebia và xâm lược Magnesia, ông đã chiếm nó làm của riêng và cho quân đồn trú nó; "khi đã hoàn tất, ông ta là chúa tể của Thessaly."[100]

Thermopylae

Sau khi đã cảm thấy hài lòng với sự tái tổ chức lại Thessaly của mình, Philippos hành quân về phía nam tới đèo Thermopylae, đây là cửa ngõ dẫn tới khu vực miền Trung Hy Lạp.[82][89][100] Ông có lẽ định tiếp tục đà thắng lợi của mình trước người Phocis bằng việc xâm lược Phocis,[100] một viễn cảnh mà khiến cho người Athen cảm thấy rất lo sợ bởi vì ông cũng có thể tiến quân tới thẳng Athen một khi vượt qua được Thermopylae.[89] Do đó, người Athen đã phái quân tới Thermopylae và chiếm giữ con đèo này; người ta hiện đang tranh luận về việc liệu rằng có đạo quân nào khác đã hội quân với người Athen ở Thermopylae hay không. Người Athen chắc chắn đã hiện diện ở đây bởi vì nhà hùng biện người Athen là Demosthenes ca ngợi việc phòng thủ con đèo này trong một bài diễn văn của mình.[101] Cawkwell đề xuất rằng lực lượng của người Athen chính là lực lượng được Diodoros nhắc đến, lực lượng này gồm 5000 bộ binh và 400 kỵ binh dưới quyền chỉ huy của Nausicles, ngoài ra còn có thêm tàn quân người Phocis và lính đánh thuê Pherae gia nhập cùng họ.[82] Tuy nhiên, Buckler lập luận rằng Diodoros chưa bao giờ đề cập tới Thermopylae và đạo quân dưới sự chỉ huy của Nausicles được phái đi giúp người Phocis vào năm sau; Thay vào đó ông ta tin rằng một đạo quân khác của người Athen đã giữ con đèo này mà không có sự trợ giúp nào khác.[101] Mặc dù hoàn toàn có khả năng để chiếm được con đèo, Philippos đã không gắng để làm điều này bởi vì ông không muốn mạo hiểm với một thất bại sau những thành công lớn của mình ở Thessaly.[89][101]

Tổng kết tới năm 352 TCN

Bên trái: Một bức tượng bán thân thuộc về Philippos II của Macedonia (trị vì từ 359–336 TCN) có niên đại là vào thời kỳ Hy Lạp hóa, nó nằm tại Ny Carlsberg Glyptotek
Bên phải: một bức tượng bán thân khác của Philippos II, đây là một bản sao La Mã có niên đại vào thế kỷ thứ nhất của tác phẩm gốc thuộc thời kỳ Hy Lạp hóa, ngày nay nằm tại bảo tàng Vatican

Cawkwell miêu tả năm 352 TCN là một năm tuyệt vời của Philippos.[102] Việc ông được bổ nhiệm làm vị chỉ huy tối cao của Thessaly là một sự gia tăng mạnh mẽ đối với quyền lực của ông[103] và đem đến cho ông một đạo quân hoàn toàn mới.[85] Các hành động của ông như là "người báo thù" và "vị cứu tinh" của thần Apollo đã được suy tính từ trước nhằm giúp ông tranh thủ được thiện ý giữa những người Hy Lạp nói chung.[82][104] Như là một hệ quả từ sự gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của Philippos, Worthington đề xuất rằng vào thời điểm Demosthenes đọc bài diễn văn "Philippos thứ nhất" (351 TCN), Philippos đã tỏ ra quyết tâm với mục tiêu nắm quyền kiểm soát Hy Lạp của mình.[105]

Hoàn cảnh chiến lược

Sự bế tắc tại Thermopylae đã chỉ ra hướng đi tương lai cho cuộc xung đột đang diễn ra giữa Philippos và người Athen. Athens vốn là một cường quốc hải quân quan trọng trong khi Macedoinia lại không có lực lượng hải quân thực sự để đề cập tới.[106] Ngược lại, Macedonia lại có một đạo quân rất hùng mạnh đặc biệt là sau khi được bổ sung thêm người Thessaly từ năm 352 TCN, điều mà Athens không thể nào có hy vọng sánh được[107] Do vậy, người Athen có thể ngăn cản được việc Philippos tấn công Athens bằng đường biển còn về mặt đường bộ thì chỉ khi nào họ có thể kịp thời chiếm giữ Thermopylae.[108] Con đèo này khá hẹp và điều này khiến cho lợi thế về quân số ở đây trở nên vô nghĩa cùng với đó là khá khó khăn để đi vòng qua nó, do đó người Athen đã có thể hy vọng kháng cự lại Philippos tại đây; vì vậy Thermopylae đã trở thành địa điểm then chốt trong cuộc xung đột này.[108] Người Athen cũng đã bắt đầu nhận ra rằng họ không còn có thể hy vọng vào việc giành lại được Amphipolis hoặc đánh bại Philippos, thay vào đó họ phải giữ thế phòng thủ như Demosthenes đã nói: "cuộc chiến tranh ấy ngay từ lúc bắt đầu đã liên quan tới việc trả thù Philippos, ngay giờ đây kết thúc bằng việc không phải chịu đau khổ dưới bàn tay của Philippos".[109] Theo quan điểm của Philippos, một khi ông đã kiểm soát được Amphipolis thì ông có thể hành quân ở khu vực phía bắc Aegea mà không gặp phải trở ngại nào, đặc biệt là nếu ông tiến hành chiến dịch trong giai đoạn gió Etesia thổi hoặc vào mùa đông, khi đó hạm đội của người Athen chỉ có thể gây ra đôi chút trở ngại đối với ông.[110] Tuy nhiên, ông không thể dễ dàng tiến quân vào Hy Lạp chẳng hạn là để tấn công Athens nếu như Thermopylae đã được phòng thủ để chống lại ông.[108]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sự bành trướng của Macedonia dưới triều đại Philippos II http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://old.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://www.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per...